Tọa đàm “Lộ trình áp dụng BIM và quy định phê duyệt hồ sơ thiêt kế của cơ quan quản lý nhà nước”

Ngày đăng 07.04.2023, mục Tin tức


Ngày 07/04/2023, Chuyên gia APCC đã tham gia buổi Tọa đàm “Lộ trình áp dụng BIM và quy định phê duyệt hồ sơ thiêt kế của cơ quan quản lý nhà nước” với sự Tổ chức của Hiệp Hội Tư Vấn Xây Dựng Việt Nam (VECAS).

Đây là chủ đề được rất nhiều đại biểu tham dự Tọa đàm do Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh chiều 07/4/2023 quan tâm do tính thời sự khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình bắt buộc áp dụng BIM từ năm 2023 đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt và từ năm 2025 đối với các công trình cấp II trở lên tại các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP bắt đầu thực hiện công việc chuẩn bị đầu tư dự án (Quyết định 258/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2023).

Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Quyết Thắng, Trưởng Phòng Nghiên cứu Chiến lược và cơ chế quản lý kinh tế ngànhViện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã trình bày khá chi tiết những nội dung chính của lộ trình áp dụng BIM trong Quyết định 258/QĐ-TTg; những việc cần triển khai, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan để đảm bảo cho việc thực hiện lộ trình. Viện Kinh tế Xây dựng là cơ quan được Bộ Xây dựng giao xây dựng các cơ chế chính sách để thúc đẩy ứng dụng BIM và cũng là Hội viên của Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam.

ông Vũ Quyết Thắng, Trưởng Phòng Nghiên cứu Chiến lược và cơ chế quản lý kinh tế ngành, Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng)

Bài trình bày của ông Ichizuru ISHIMOTO – Trưởng ban, Ban tư vấn Khối tư nhân và Ông Tetsuhiro Kurahashi Giám đốc, Trung tâm Xúc tiến phát triển BIM, Công ty Nippon Koei Co.,LTD đã mang tới cho các đại biểu tham dự một bức tranh chi tiết lộ trình áp dụng BIM của Nhật bản, trong đó MLIT (Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch của Nhật Bản) thực sự ứng dụng BIM trong thiết kế và xây dựng từ năm 2022 và MLIT coi BIM là công nghệ cốt lõi,  bắt buộc áp dụng BIM trong thiết kế kỹ thuật – chi tiết từ năm 2022, cập nhật năm 2023 bao gồm các dự án của MLIT (trừ quy mô nhỏ). Đồng thời hai diễn giả đã trình bày chi tiết 10 dự án công của MLIT ứng dụng BIM. Theo diến giả, MLIT đang chuẩn bị xây dựng trung tâm dữ liệu (CDE) để các doanh nghiệp nhỏ có thể sử dụng miễn phí hoặc trả phí. Nippon Koei Co.,LTD là môt trong những doanh nghiệp tư vấn xây dựng hàng đầu, tham gia nhiều dự án tại Việt Nam.

Singapore là nước đã có sự phát triển mạnh mẽ về BIM trên thế giới và BCA (Cơ quan quản lý xây dựng của Singapore) bắt buộc trình thẩm duyệt thiết kế từ năm 2013 theo quy mô diện tích sàn khác nhau. Chia sẻ cùng các đại biểu, Kiến trúc sư Tan Jiann Woei, Giám đốc khu vực Singapore, Thailand và Indochina – DP Architects (DPA), DPA đã ứng dụng BIM từ năm 2008 và đã thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam. Theo Kiến trúc sư Tan Jiann Woei, quy trình phê duyệt hồ sơ thiết kế áp dụng BIM tại BCA sắp tới sẽ chuyển đổi quy trình phê duyệt theo mô hình tích hợp một cửa kỹ thuật số, kết hợp với chuyển đổi ngành công nghiệp môi trường xây dựng. Các cơ quan quản lý kỹ thuật cùng đánh giá, cho ý kiến…trên cùng một mô hình BIM.

Tọa đàm “Lộ trình áp dụng BIM và quy định phê duyệt hồ sơ thiêt kế của cơ quan quản lý nhà nước” mang lại nhiều kinh nghiệm và bài học lớn để đóng góp cho các cơ quan quản lý nhà nước tham khảo, xây dựng cơ chế và lộ trình áp dụng BIM phù hợp.

Ông Lê Đình Giáp và Ông Lê Văn Hiệp tham gia tọa đàm

(Nguồn: https://vecas.org.vn/)